Cẩm cù có đặc điểm sống tương tự hoa lan, dạng rễ gió, có thể sống bám trên các loại cây khác (nhưng không ký sinh), ưa môi trường đất trồng thoáng khí nên cách trồng và chăm sóc tương tự như hoa lan, chỉ có một số ít loại có cải biến chút về nhu cầu độ ẩm và ánh sáng.
Dạng trồng
Chủ yếu trồng dạng chậu treo có giá thể để thuận tiện chăm sóc và trưng bày. Những người chưa có kinh nghiệm nên trồng dạng này.
Những loại ưa hạn cao có thể cho bám vào khúc gỗ hoặc sáng tạo nghệ thuật dạng bám lũa, bám đá ... nhưng đòi hỏi công chăm sóc nhiều hơn.
Những cây cẩm cù lâu năm có gốc hóa gỗ có thể trồng chậu to để ở mặt đất cho leo giàn nhưng cần chú ý giá thể và phòng ngừa các bệnh hại rễ cây, tránh úng nước.
Đặc điểm hoa
Cẩm cù thường tự ra hoa theo sự phát triển của ngọn, cứ ra ngọn mới sẽ kèm hoa ở các nách lá và đầu ngọn. Có thể phun thêm phân bón dưỡng hoa để cây ra nhiều hoa hơn.
Thời gian cây ra hoa không cố định, tùy loại, tùy thời tiết, cách chăm sóc. Thậm chí cùng điều kiện nhưng mỗi cây cùng loại cũng khác nhau nên không có câu trả lời nào cố định cả, có cây khoảng 1 gang tay có thể cho hoa, có cây phải dài vài mét, trừ một số giống đặc trưng siêu hoa còn nói chung chung là không dự đoán được.
Hoa cẩm cù có thể nở lại rất nhiều lần, hoa tàn cứ để tự nhiên, không nên cắt bỏ cuống hoa vì cuống hoa này sẽ nở lặp lại, cộng dồn với hoa mới nên trồng càng lâu hoa sẽ càng nhiều. Các bạn cứ chăm sóc cho cây khỏe mạnh không ngừng phát triển thì sẽ có kết quả như ý thôi à.
Môi trường sống
Cẩm cù có thể trồng khắp cả nước từ Bắc tới Nam, khí hậu có thể ảnh hưởng đến khả năng ra hoa của cẩm cù tuy nhiên không ảnh hưởng đến khả năng sống và phát triển của cây.
Cây cẩm cù cần nhiều ánh sáng nhưng không nên phơi nắng gắt tránh gây sốc nhiệt làm cháy lá, thay đổi màu sắc lá không mong muốn hoặc có thể dẫn đến cây héo, chậm lớn. Nhu cầu ánh nắng bình quân 1-3 giờ nắng sáng hoặc chiều. Khi nhận được nhiều ánh sáng lá sẽ dày hơn, ra hoa nhiều hơn, nhiều loại lá đổi màu, nổi gân lá rõ đẹp hơn. Tùy loại sẽ có nhu cầu ánh nắng khác nhau căn cứ theo độ dày của lá, khả năng thay đổi màu sắc lá, những loại lá mỏng mềm bản to và không thay đổi maù lá thì cần ít ánh nắng. Những loại có bản lá dày, cứng cáp, đổi màu lá, siêng hoa thì cần nhiều ánh nắng hơn.
Khi trồng cẩm cù dạng treo, khi ngọn đang phát triển thì nên để nhánh cẩm cù thòng tự do sẽ giúp cây dễ ra hoa hơn, khi nào cùn ngọn hoặc nụ to ổn định mới quấn chỉnh theo ý muốn. Khi ngọn non đang phát triển mà quấn sớm cây sẽ khó ra hoa.
Lưu ý: Cây nuôi hoa sẽ chậm lớn, khi trồng cây nhỏ nên bỏ hoa hoặc tăng cường dinh dưỡng để cây phát triển tốt nhiều ngọn thì sau này mới có nhiều hoa.
Giá thể
Cây cẩm cù trồng dạng ghép lũa gỗ thì không cần giá thể.
Cẩm cù trồng chậu có thể dùng vỏ dừa cục, vỏ thông, đất nung,... Nói chung là loại giá thể có kích thước lớn tạo nhiều khoảng trống cho rễ thoáng tránh úng, có khả năng giữ ẩm, lâu mục (để tăng thời gian thay giá thể). Nếu giá thể mục sớm sẽ lún, làm giảm độ thoáng và giữ ẩm quá nhiều dễ gây thối rễ.
Cẩm cù trồng chậu to leo giàn nên dùng đất nung không tan, khúc gỗ để tăng tối đa thời gian thay giá thể.
Chậu
Chậu trồng tương tự dùng cho hoa phong lan, nên trồng chậu dạng rỗ nhiều lỗ thông thoáng gió để tránh úng rễ mùa mưa, tuy nhiên chậu càng thoáng thì càng chú ý tưới nước vào mùa khô. Không nên trồng chậu quá to và mùa mưa khó kiểm soát được độ ẩm.
Phân bón
Cây cẩm cù rất nhạy cảm phần rễ nên cần chú ý phân bón không làm tổn thương bộ rễ, để an toàn các bạn nên dùng phân tan chậm cho hoa lan có chứa NPK, ví dụ phân chì Nhật, phân Rynan. Để tiết kiệm có thể dùng phân NPK thông thường pha loãng tưới gốc nhưng phải thường xuyên tưới lặp lại sẽ mất nhiều công hơn và phải chú ý liều lượng pha thật loãng. Khuyến khích dùng phân tan chậm hiệu quả lâu dài và an toàn.
Thận trọng khi dùng phân hữu cơ. Nên dùng dạng chế phẩm hòa tan phun lên lá, không nên bón phân hữu cơ vào gốc vì các loại phân hữu cơ bón gốc có thể không sạch bệnh, đồng thời chứa nhiều vi sinh vật thúc đẩy phân hủy giá thể làm giá thể nhanh mục dẫn đến thối gốc, thối rễ.
Cây nuôi hoa nên bón thêm phân bón lá bổ sung trung vi lượng, các loại phân chứa Canxi và Bo để giảm rụng hoa.
Tưới nước
Cây cẩm cù sợ úng nhưng cần nước, nếu sử dụng giá thể thông thoáng hợp lý thì nên tưới nước mỗi ngày, tùy cỡ cây, thời tiết, giá thể mà nhu cầu nước mỗi cây khác nhau, các bạn trồng thì tự theo dõi thấy giá thể khô thì tưới thôi, cây thiếu nước sẽ héo chứ không chết, tưới sẽ phục hồi không sao cả.
Khi trồng dạng treo trên cao khó quan sát tình trạng giá thể cần nhấc thử chậu kiểm tra độ nặng nhẹ của chậu để phán đoán tình trạng khô của giá thể, nếu chậu quá nhẹ là do giá thể quá khô, tưới nước qua loa sẽ không kịp ngấm sâu mà chỉ phủ bề mặt làm giá thể khô nhanh không duy trì được thời gian lâu dài cho cây kịp hút nước làm cây nhanh héo. Trường hợp trên cần nhúng phần giá thể vào nước khoảng 5-10 phút cho giá thể ngấm nước.
Sâu bệnh
- Sâu hại: thường có sâu ăn lá, rầy vàng ở ngọn, lá non và hoa, rệp sáp, tuyến trùng/dòi gây phù thối rễ và gốc. Tùy loại các bạn tự tra cứu tìm thuốc nha, mỗi địa phương, cửa hàng sẽ có phân phối sản phẩm khác nhau không nhất thiết dùng 1 loại nào cố định cả.
- Bệnh: Thối rễ, thối gốc do quá ẩm, vàng rụng lá do nấm bệnh, khô ngọn. Đối với bệnh thì các bạn nên phun thuốc phòng ngừa nấm bệnh. Cây bệnh rồi thì chủ yếu cắt tỉa và phun thuốc phòng ngừa tránh lây thôi chứ phần nào hư rồi sẽ không phục hồi được. Xử lý cây bệnh:
+ Thối gốc rễ: Cắt phần trên trồng lại, Bỏ vài mắt lá ở gốc, cắt thành nhiều đoạn trồng vào giá thể mới, để trong mát, thời gian đầu chú ý tưới nước thường xuyên, khoảng 4-5 ngày sẽ ra rễ mới phát triển lại bình thường. Phần gốc và giá thể cũ bỏ đi, không nên dưỡng hay tái sử dụng giá thể.
+ Vàng rụng lá: Thường xuyên thăm nôm, quan sát thấy lá bệnh thì vặt bỏ, nhặt lá khô đem tiêu hủy, lá có 1 đốm bệnh cũng nên cắt bỏ vì cẩm cù có lá mộng nước nhiễm bệnh rồi sẽ lây rất nhanh, xén 1 phần lá có thể không loại bỏ bết mầm bệnh.
+ Khô ngọn: Cắt tỉa bỏ, cắt lố 1-2 mắt lá liền kề khúc ngọn bị khô, bổ sung thêm phân bón lá vi lượng, tăng ánh sáng.
Xử lý lên màu lá:
Nhiều loại cẩm cù có khả năng đổi màu lá, nếu bạn muốn trồng dạng mini thì có thể xử lý bất kỳ lúc nào, còn muốn chơi cây to đẹp thì nên ưu tiên chăm dưỡng cho cây lớn có nhiều còi hoa trước nha, vì khi xử lý lên màu lá sẽ làm cây phát triển rất chậm.
Để cây lên màu lá điều kiện quan trọng là ngừng bón phân. Nếu quá trình trồng dùng phân tan chậm thì xử lý hơi bị lâu chờ phân hết hiệu quả, trường hợp này có thể thúc đẩy bằng cách bón thêm phân Kali (pha thật loãng tưới nhiều lần, không nên tưới lượng cao 1 lần). Kết hợp tăng cường chiếu sáng, có thể nhận nắng trực tiếp buổi sáng và chiều, tránh nắng trưa nóng làm bỏng lá
Chúc các bạn trồng hoa cẩm cù đẹp như ý. Nếu xem bài viết chưa hiểu hoặc có gì góp ý các bạn có thể liên hệ
Zalo: 0962 568 200